Triển lãm " Chân dung Hà Nội " 6-12/2009 |
There are no translations available. Văn Dương Thành- Luôn hiện hữu một tình yêu Hà Nội
Hà Nội trong tranh của Văn Dương Thành đầy màu sắc, sôi động, những góc phố rêu phong, yên tĩnh bỗng bừng sáng, lung linh. Triển lãm mới nhất của họa sỹ Văn Dương Thành mang tên “Chân Dung Hà Nội” đang diễn ra tại khách sạn Sofitel Plaza (Hà Nội) đến hết ngày 30/7/2009. Mặc dù sống và làm việc tại Thụy Điển một thời gian dài (17 năm kể từ năm 1988) nhưng nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành vẫn khá quen thuộc với những người yêu hội hoạ ở trong nước. Đặc biệt trong sáng tác của bà, đề tài Hà Nội được khai thác nhiều bởi Hà Nội là nơi bà có rất nhiều kỷ niệm thơ ấu, nơi ba mẹ họa sỹ đã sống, nơi bà bắt đầu những bài học đầu tiên về hội họa, nơi bà có ít nhiều ảnh hưởng theo học các họa sỹ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm và một cách rất tự nhiên tình yêu Hà Nội đã hòa quyện vào bút pháp của bà.Hà Nội trong tranh của Văn Dương Thành đầy màu sắc, sôi động, những góc phố rêu phong, yên tĩnh bỗng bừng sáng, lung linh. Một Ô Quan Chưởng cổ kính bỗng tươi mới trong sắc mùa xuân, một ngõ nhỏ An Dương chật chội ồn ào bỗng dịu dàng, quyến luyến nhuộm màu ánh trăng đêm, một góc nhỏ làng Đông Ngạc cổ kính bỗng ngời sáng lung linh lúc chập choạng lên đèn, một không khí Tết với sắc hồng điều tươi mới ngày xuân… Dưới nét cọ của bà, một Hà Nội huyền ảo nhưng khi đã “nhập” vào được cái hồn của bức tranh thì lại thấy rất thật, một Hà Nội vừa mới lạ, vừa thân quen, lúc sôi động, lúc yên tĩnh, cổ kính nhưng cũng rất đương đại. Họa sỹ tâm sự: “Hà Nội ngày nay khác nhiều so với Hà Nội xưa, rất cần những bức tranh để lưu giữ lại vẻ đẹp cổ của Thủ đô. Một thành phố mới mẻ, hiện đại điểm thêm một chút đơn sơ xưa cũ thì vô cùng quý giá, bởi cái mới nảy mầm từ cái cũ “. Tại triển lãm “Chân Dung Hà Nội”, bà đưa ra trưng bày 50 bức tranh, có bức cỡ lớn (rộng 2,5 m). Phần lớn tranh ở triển lãm đều được sáng tác gần đây. Hà Nội có nhiều ảnh hưởng tới việc sáng tác của tôi vì Hà Nội là thủ đô văn hiến của Việt Nam, thủ đô đã 1000 năm tuổi do vậy những di tích lịch sử, những nét đẹp của kiến trúc, những mẫu vật cổ khai quật được... là những bài học rất lớn cho văn nghệ sỹ. Ví dụ các họa sỹ có thể khai thác ở đó những nét văn hóa cổ, những hoa văn cổ, những nhịp điệu, cấu trúc của nghệ thuật Việt Nam... * Bà chắc có nhiều kỷ niệm tuổi thơ gắn với Hà Nội ? Hồi nhỏ tôi sống ở Hà Nội với ba tôi. Khi đó đất nước rất khó khăn, ông cụ là cán bộ, đi làm rất bận rộn. Ba tôi vốn là nhà giáo trước khi tham gia Cách mạng. Ông rất thích cho các con học nhạc và học vẽ. Hồi đó tôi được ba cho giấy và màu tập vẽ chơi trong lúc ba bận đi họp hoặc đi công tác, đến khi ba về xem thì rất thích và nói: con có năng khiếu, nếu con cố gắng có thể thành họa sỹ. Vài năm sau thôi thì ba tôi đi công tác và hy sinh. Má tôi rất muốn ý nguyện đó của ba tôi thành sự thật, má đã hướng tôi vào học vẽ. Nhớ khi còn thơ bé, tôi được ba dẫn đi chơi ở cầu Thế Húc, đền Ngọc Sơn, Ô Quan Chưởng rồi thăm Chùa Một Cột và đi trên những đường phố nhỏ, những vỉa hè đôi chỗ gập ghềnh, lát gạch loang lổ, thấy những lá me, lá sấu... tôi rất thích. Sau này lớn lên rồi khi nhớ đến ba thì tôi nhớ đến Hà Nội. Nhớ đến Hà Nội thì nhớ đến bao góc phố nhỏ, từ những quán nước, quán phở trước kia đi ăn với ba và khi đi qua Ô Quan Chưởng nhìn thấy những cành cây xanh tươi trên nóc cửa ô... Hình ảnh đó đọng lại trong tôi màu kiến trúc, màu thời gian rất đậm, tôi cảm thấy như là người cha đang che chở cho mình, cho nên tôi rất nhớ những kỷ niệm Hà Nội. Tôi nhớ những dịp Tết, gói bánh chưng. Chuẩn bị từ trước Tết khoảng 1 đến 2 tuần, chọn gạo nếp cái, sàng sảy kỹ để khi bánh luộc xong cắt ra bên trong trắng đều không lẫn màu khác. Đỗ xanh thì phải là đỗ hạt mẩy to đều, ngâm kỹ và đãi thật là đẹp. Ngày xưa các cụ không gói bằng khuôn mà bánh vẫn vuông vức. Lá dong, thời bao cấp phải xếp hàng mới mua được... Đặc biệt tôi nhớ đến màu hồng điều, cái màu rất là mạnh ở Việt Nam vì hồi trước nhà thường bị tối do mái thấp nên người ta dùng màu hồng điều để nó sáng nhà, cho tươi vui khi mùa xuân đến. Màu hồng điều luôn là biểu trưng cho hạnh phúc, mùa xuân. Các ông đồ ngày Tết hay viết chữ nho đen lên giấy hồng rất là nổi bật.
Phải nói là khó diễn tả trong một câu ngắn về thủ đô Hà Nội. Bên ngoài nhìn vào thì Hà Nội là một thành phố nhỏ, rất đẹp và rất đặc biệt. Ở đây có một phần kiến trúc Việt Nam, một phần nhỏ hơn là các mái cong của kiến trúc Trung Hoa và có rất nhiều kiến trúc Pháp còn tồn tại. Hà Nội là một thành phố có 1000 năm lịch sử đồng thời lại như là một cửa ngõ giữa Châu Á và Châu Âu và ở đó không chỉ là kiến trúc, không chỉ là lịch sử mà là cả những con người làm nghệ thuật làm nên giá trị văn hóa cho thủ đô. Ví dụ như Paris không chỉ đẹp đơn thuần về kiến trúc, về tháp Eiffel và các viện bảo tàng. Paris rất ý nghĩa với một người cầm bút như tôi vì đó là ngôi nhà của Auguste Rodin- nhà tạc tượng nổi tiếng của thế giới. Khi thăm xưởng của ông nhìn thấy cái bàn và những thứ ông dùng… thì đấy là những điểm làm cho người ta yêu mến Paris. Hoặc là ngôi nhà của Victor Hugo, khi bước vào ai cũng xúc động khi mà thấy những bức tranh ông vẽ minh họa cho tác phẩm văn học “Những người khốn khổ”. Chính những nhân vật đấy đã làm cho Paris thêm hấp dẫn, có ý nghĩa với mọi du khách. Hà Nội của chúng ta cũng vậy, chẳng hạn như Văn Miếu là nơi người ta vào thấy tên của những tiến sỹ đã thi đỗ cách đây gần 1000 năm. Hoặc ví dụ như bên Hồ Trúc Bạch, người Việt Nam có thể ít chú ý nhưng các bạn nước ngoài thì vô cùng thích thú thấy bức tượng nhỏ một phi công Mỹ bị bắn rơi và giơ tay hàng và ghi tên John McCain (cựu ứng viên Tổng thống Mỹ). Tháng 4 vừa rồi ông McCain thăm nơi đây, có chụp ảnh với bức tượng mình bên Hồ Trúc Bạch, ông thấy nó rất là ý nghĩa và đó là một kỷ niệm ông không bao giờ quên. Và những con người đã tạo nên lịch sử cho thủ đô. Và thủ đô Hà Nội có ngôi nhà của Văn Cao, có xưởng họa của Bùi Xuân Phái, có xưởng họa của Nguyễn Tư Nghiêm…vv. Đấy là những dấu ấn văn hóa rất quý của thủ đô Hà Nội. Sự giao thoa của hội họa phương Tây với những gì tôi học ở Việt Nam là rất lớn, vì cội nguồn tôi học từ nhỏ là nghệ thuật châu Á và tôi cảm thấy rằng chính nghệ thuật châu Á là điều đã làm cho các họa sỹ châu Á trở nên đặc biệt ở châu Âu, bởi vì tôi không bao giờ quên những kiến thức từ hội họa dân gian châu Á. Khi sống và học tập ở châu Âu tôi cũng chắt lọc ra những nét thích hợp và khi đưa những đường nét trừng tượng, những phong cách vẽ màu của châu Âu vào kết hợp với những đường nét đơn tuyến bình đồ của nghệ thuật châu Á thì tôi cảm thấy rất sinh động và rất hòa nhập.
* Khi nhắc đến phố Hà Nội mọi người thường nhắc tới “phố Phái”. Bà đã vẽ rất nhiều chân dung họa sỹ Bùi Xuân Phái và bà cũng vẽ nhiều về phố Hà Nội, bà có tìm thấy sự đồng điệu gì giữa bà và cố họa sỹ Bùi Xuân Phái? Khi còn bé tôi rất thích tranh Bùi Xuân Phái. Tôi thường nhịn ăn sáng để múa báo Văn Nghệ, cắt những tờ minh họa của ông ra xem. Sau này lớn lên, gặp ông thì ông rất cảm động khi nghe câu chuyện một cô bé nhịn ăn sáng để mua báo, giữ lại những tấm minh họa của mình. Tôi có cho ông xem những tấm minh họa đấy, thì ông cảm động ghê lắm, khi ấy ông rất nghèo. Tôi rất kính trọng ông bà Bùi Xuân Phái nên khi tôi 20 tuổi, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua nhiều bức tranh của tôi, thì tôi cũng đã dùng một phần số tiền đấy để mua vật liệu vẽ và cả thuốc để ông uống khi ốm. Tôi coi họa sỹ Bùi Xuân Phái như người thầy lớn, tuy trong thực tế thì ông không giảng dạy ở trường khi tôi học. Ông là người thầy mà tôi đã học hỏi được rất nhiều trong nghệ thuật, trong cuộc sống. Chính họa sỹ Bùi Xuân Phái đã vinh danh phố cổ Hà Nội ra thế giới, đi đến đâu mà nói đến thành phố Hà Nội thì người nước ngoài cũng nhắc đến tên và tranh của Bùi Xuân Phái.
* Sau một thời gian sống ở nước ngoài, bây giờ lại về Hà Nội, bà có cảm nhận thế nào về sự khác biệt của Hà Nội nay và xưa ? Khác rất nhiều, vì Hà Nội đang được xây dựng và phát triển. Có rất nhiều thay đổi, trong những bức tranh tôi đã vẽ nhiều cảnh không còn nữa. Có nhiều bức tranh người nước ngoài rất thích, họ hỏi cảnh đó còn không để họ đến tận nơi xem... Người họa sỹ cũng có sứ mệnh là ghi chép lại cảnh quan, những kiến trúc mà hôm nay còn, ngày mai có thể đã mất hoặc biến đổi. Sự thay đổi của một thủ đô là điều tất yếu tuy nhiên nếu mọi người đều có ý thức thì sẽ giữ lại được những phần cổ và chính những phần đấy là vô cùng quí giá, quí hơn những tòa nhà lớn. Đặc biệt là rất nhiều đàn ông theo học lớp học ẩm thực Việt Nam và họ rất thích học món ăn Việt Nam vì nó nhẹ, thanh tao và không quá nhiều dầu mỡ, có nhiều hoa quả, rau, củ… như thế rất là thích hợp với trào lưu thế giới hiện nay. Một lớp học vẽ có thể là không đông bằng nhưng một lớp học nấu ăn thì đông lắm. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ của tôi nhưng tôi rất thích vì kèm theo mỹ thuật thì thêm chút giới thiệu về văn hóa, ẩm thực và lịch sử của Việt Nam và trình diễn sự khéo tay của người Việt.
|